29/03/2024 11:28

Chuyện 'cô lái đò' bí ẩn nguyện chết thay nhà thơ Nguyễn Bính 58 năm trước

‘Cô lái đò’ - người chưa một lần lấy tiền qua sông của nhà thơ Nguyễn Bính - năm nay 78 tuổi, hiện sống ở tỉnh Hà Nam.

Nhà thơ Nguyễn Bính (SN 1918) ra đi đột ngột vào một ngày giáp Tết năm Bính Ngọ (1966) khi ông mới 48 tuổi. Câu chuyện buồn này nhiều lần được bạn bè, đồng nghiệp của ông nhắc đến với niềm tiếc nuối.

Nhưng người ta cũng thường kể thêm một câu chuyện khác như một giai thoại xung quanh cái chết của ông. Đó là chuyện một cô lái đò sau khi nghe báo tin tác giả “Lỡ bước sang ngang” qua đời, đã bật khóc và thốt lên: “Giá chết thay được thì cháu xin chết thay để bác ấy… được sống… còn làm thơ”.

Cô gái ấy chính là người đã bao lần lái đò đưa Nguyễn Bính qua dòng sông Châu. Với riêng nhà thơ, cô không bao giờ lấy tiền. Đồng nghiệp của ông ở Ty Văn hóa Nam Hà ngày ấy vẫn cứ thắc mắc tại sao Nguyễn Bính - một kẻ lãng mạn với ngoại hình hết sức giản dị, xuề xoà - lại được ưu ái đến vậy.

Thế rồi, người ta tự đưa ra giả thuyết, rằng có lẽ cô là một người hâm mộ thơ ông. Và lẽ dĩ nhiên, cô cũng thấy hình ảnh của mình trong bài thơ nổi tiếng “Cô lái đò” được ông viết từ năm cô chưa chào đời. Họ đặt cho cô một “vị thế” mới: Cô lái đò cuối cùng trong nghiệp thơ của tác giả “Chân quê”.

Không ai biết nguyên tác của cô lái đò trong bài thơ nổi tiếng của Nguyễn Bính là ai. Nhưng cô lái đò sông Châu của ông thì có thật, bằng xương bằng thịt.

Đó là bà Trần Thị Thoa, hiện sống ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Bến đò năm xưa nằm bên bờ sông Châu thuộc xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân - quê đẻ của bà, cách đó vài cây số.

Bà Thoa, ở tuổi 78, vẫn nhanh nhẹn, khoẻ khoắn, thông thạo mạng xã hội khi trò chuyện với chúng tôi. Bà xác nhận mình chính là cô lái đò năm xưa xin chết thay cho nhà thơ Nguyễn Bính.

Chuyện 'cô lái đò' bí ẩn nguyện chết thay nhà thơ Nguyễn Bính 58 năm trước

Bà Thoa hiện sống ở huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam. Ảnh: NVCC

Chuyện xưa người cũ, bà đã quên nhiều, nhưng có một điều bà nhắc đi nhắc lại suốt cuộc trò chuyện: “Bác ấy làm thơ hay lắm!”. Ngày đó, bà Thoa mới tuổi đôi mươi, còn Nguyễn Bính đã 47. Hai người xưng hô với nhau là “bác - cháu”.

Mùa hè năm 1965, Nguyễn Bính đang công tác tại Phòng Sáng tác, Ty Văn hóa Nam Hà, phụ trách công việc biên tập thơ và tham gia bồi dưỡng các cây bút trẻ của tỉnh. Trước ngày máy bay Mỹ ném bom thành phố, ông cùng các đồng nghiệp sơ tán về xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân.

Ở đây, các cán bộ được bố trí làm việc tại nhà dân ở 2 thôn Đức Bản và Tầu Giang.Nguyễn Bính không ở nhà bà Thoa mà ở thôn Đức Bản bên cạnh. Nhưng ông thường xuyên đi qua sông Châu thơ mộng, nơi nhà bà Thoa túc trực đưa đò.

“Bố mẹ tôi chèo đò từ khi tôi còn bé tí. Sau chúng tôi lớn, thay phiên nhau giúp bố mẹ chèo đò đưa khách qua sông. Ngày ấy, bên chợ Chủ có cửa hàng mậu dịch bán hàng tem phiếu. Bác Bính hay sang bên đó cắt tóc, mua nhu yếu phẩm. Đi nhiều, trò chuyện nhiều rồi bác cháu quen thân nhau” - bà Thoa kể.

Bà tự nhận mình là người lãng mạn, mộng mơ, yêu thơ văn, ca hát. Bà đọc và thích thơ Nguyễn Bính từ lâu. Biết cô lái đò thích thơ mình, Nguyễn Bính thường xuyên tặng thơ. Có lần ông còn ngẫu hứng làm thơ tặng, đến giờ bà vẫn còn nhớ mấy câu:

“Cô lái đò xinh xinhTrông cảm tình biết mấyNhìn cô, tôi chỉ thấyLòng chan chứa yêu đời”

Chuyện 'cô lái đò' bí ẩn nguyện chết thay nhà thơ Nguyễn Bính 58 năm trước

Bà Thoa cho biết bà vẫn yêu thơ ca, nhạc, họa. Ảnh: NVCC

Nguyễn Bính, đến giờ, vẫn hiện lên lấp lánh trong mắt bà Thoa như một nhà thơ “đẹp”, cả trong cách cư xử lẫn vẻ bề ngoài.

“Bác ấy giản dị lắm, hay mặc bộ quần áo gụ, đi dép cao su, có chiếc xe đạp khung, ghi-đông lúc nào cũng treo cái túi 2 quai. Trong túi toàn là thơ - thơ in báo, thơ viết tay...

Bác hay khoe nay bác viết được bài này, bài kia. Tôi hay bảo ‘bác viết đi rồi cho cháu, cháu thích lắm’”, bà Thoa nhớ lại.

Cô thiếu nữ lái đò nhanh nhẹn, nhiệt tình nên khách qua sông nào cũng quý mến. “Cứ có người gọi là tôi đón ngay, không để phải đợi chờ như nhiều bến đò khác. Bác Bính quý tôi cũng một phần vì thế. Có hôm vắng khách, bác hỏi han chuyện học hành, biết tôi yêu văn thơ, bác quý lắm”.

Bà Thoa kể, bà được bố mẹ giao cho công việc chèo đò từ năm lên 7, lên 8 tuổi. Những năm còn đi học, bà và các anh chị em thay phiên nhau túc trực bến đò sớm tối. Chiếc đò gỗ chở được 15 người, xếp hàng ngồi 2 bên, ở giữa là hàng hóa, xe đạp của dân đi chợ, của cán bộ các Ty văn hóa, giáo dục quanh đó.

Năm 18 tuổi, bà được gọi đi học kế toán ở Trường Trung cấp Công nghiệp của tỉnh. Từ đó, cứ mỗi thứ Bảy, Chủ nhật được về nhà, bà lại cầm mái chèo chở khách. Đó cũng là thời điểm bà vô tình thân quen với nhà thơ Nguyễn Bính và các anh em văn nghệ sĩ của Ty Văn hóa.

Nhớ lại ngày ấy, bà kể: “Cán bộ đi sơ tán, mình thương lắm, có củ khoai, củ sắn, ấm nước chè xanh đều mang ra mời nhau. Nhà mình có việc, các bác cũng lao vào giúp đỡ. Cán bộ và nhân dân tình cảm thắm thiết như người trong nhà”.

Ngày nhà thơ Nguyễn Bính qua đời đột ngột, bà đang đi làm xa. Vài hôm sau, nhà văn Chu Văn đến thông báo: “Bác Bính mất rồi cháu ạ!”. Bà sững sờ trong giây lát rồi gục trên mái chèo, khóc nấc. Bà bảo: “Giá chết thay được thì cháu xin chết thay để bác ấy… được sống… còn làm thơ”.

Nhà văn Chu Văn nghe vậy xúc động lắm. Ông bảo, phải yêu quý nhau như thế nào thì mới nói được câu ấy.

“Bác Bính ra đi đột ngột, tôi tiếc nuối cho một người làm thơ hay, lại có tình có nghĩa. Bác cũng là một trong những vị khách đặc biệt nhất trong suốt cuộc đời chèo đò của gia đình tôi” - bà nói.

Cô lái đòXuân đã đem mong nhớ trở vềLòng cô gái ở bến sông kia.Cô hồi tưởng lại ba xuân trước,Trên bến cùng ai đã nặng thề.Nhưng rồi người khách tình, xuân ấy,Đi biệt không về với... bến sông.Đã mấy lần xuân trôi chảy mãi,Mấy lần cô gái mỏi mòn trông.Xuân này đến nữa đã ba xuân,Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần.Chẳng lẽ ôm lòng chờ đợi mãi,Cô đành lỗi ước với tình quân.Bỏ thuyền, bỏ bến, bỏ dòng trong,Cô lái đò kia đi lấy chồng.Vắng bóng cô em từ dạo ấy,Để buồn cho những khách sang sông...

tin liên quan

Bình luận

Tags:

Nguyễn Bính

Nhà thơ

Tin cùng chuyên mục