24/09/2022 13:26

Di dời chánh điện chùa Diệu Đế để bảo vệ “Long vân khế hội”

 

Di dời chánh điện chùa Diệu Đế để bảo vệ “Long vân khế hội”

Chánh điện chùa Diệu Đế sẽ được “thần đèn” Nguyễn Văn Cư di dời lui phía sau 18m. Ảnh: Nhật Minh

Lui 18m so với vị trí ban đầu

Trong quá trình trùng tu chùa Diệu Đế, thay vì hạ giải ngôi chánh điện cũ, chùa đã thuê “thần đèn” Nguyễn Văn Cư - Giám đốc Công ty TNHH Xử lý lún nghiêng Nguyễn Văn Cư (trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh) di dời lui về phí sau 18m để bảo tồn bức tranh “Long vân khế hội” vẽ trên trần nhà. Theo đại diện chùa Diệu Đế, việc dịch chuyển ngôi chánh điện cũ nhằm bảo vệ lại bức bích họa “Long vân khế hội” cũng như những giá trị lịch sử của chùa. Sau khi dịch chuyển đến vị trí mới sẽ cho trùng tu lại ngôi chánh điện cũ này theo khả năng nhà chùa để làm Tổ đường và một phần cho không gian sinh hoạt.

“Thần đèn” Nguyễn Văn Cư cho biết, ngôi chánh điện được dịch chuyển lui 18m so với vị trí ban đầu. Tất cả đang được thực hiện một cách đúng kỹ thuật, đảm bảo quá trình đó không xảy ra hư hại, ảnh hưởng đến kết cấu chánh điện với bề ngang 25m, chiều sâu 14m; khối lượng khoảng 1.000 tấn. Theo ông Cư, quá trình khảo sát có rất nhiều phương án được đưa ra, bằng mọi giá phải giữ được nguyên trạng chánh điện cũng như các bệ thờ bên trong. Phương án cuối cùng là đào sâu xuống phần móng và cho đổ hệ đà bằng bêtông, kết nối với sắt thép để tạo sự kiên cố. “Quá trình này được thực hiện từng đoạn khoảng 1-1,2m. Tổng hệ đà được đổ lên đến 180m, trong hơn 2 tháng liên tục”, ông Cư nói.

Sau quá trình đổ đà ở bên dưới móng, các công nhân cho hệ thống máy móc nâng lên rồi đưa hệ thống ván gỗ và con lăn vào trước khi dùng ben chịu lực để kéo. “Mỗi lần kéo được 0,9 - 1m. Mỗi ngày kéo được khoảng 4m. Nếu thuận lợi trong 5 ngày sẽ hoàn tất việc dịch chuyển”, ông Cư nói thêm và cho biết theo yêu cầu nhà chùa sau khi kéo về vị trí mới sẽ dùng ben thủy lực đến kích cao lên 15cm.

Về bức tranh “Long vấn khế hội”

Chùa Diệu Đế  - quốc tự dưới triều Nguyễn, tọa lạc tại số 110 đường Bạch Đằng, thành phố Huế. Chùa Diệu Đế nguyên trước đây một khu vườn nổi tiếng và là nơi hoàng tử Miên Tông, con trai vua Minh Mạng chào đời, sau nối ngôi cha, hiệu là Thiệu Trị. “Chùa được vua Thiệu Trị cho xây dựng vào năm 1844 (năm Giáp Thìn, Thiệu Trị tứ niên), kết cấu gỗ theo lối kiến trúc cung đình đặc trưng của triều Nguyễn - vốn phát triển lên từ kiểu kiến trúc nhà rường Huế. Công trình đã trải qua nhiều lần trùng tu, quy mô về sau tuy không bằng ban đầu, nhưng vẫn giữ theo kiểu kiến trúc cũ. “Lần trùng tu chánh điện cuối cùng theo kiến trúc cũ được ghi lại theo Châu bản triều Nguyễn là năm Thành Thái thứ 18 (1906), sau đó vào năm Khải Định thứ 2 (1917), có trùng tu lầu chuông lầu trống, la thành”, đại diện chùa Diệu Đế cho biết.

Chùa Diệu Đế nổi tiếng với bức tranh “Long vân khế hội” (hay còn gọi là Cửu long ẩn vân) được vẽ ngay trần chánh điện. Bức tranh có chiều dài hơn 10m, rộng gần 11m; vẽ 5 con rồng uốn lượn ẩn hiện trong các tầng mây trên trần điện và 4 con rồng quấn quanh 4 cột trụ lớn theo một điển tích xưa của nhà Phật. Bức tranh này được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam công nhận kỷ lục “Bức tranh vẽ trên trần chánh điện xưa và lớn nhất Việt Nam” vào tháng 3.2008.

Theo đại diện chùa Diệu Đế, chánh điện chùa Diệu Đế hiện tại không phải là chánh điện cũ qua các lần trùng tu được ghi lại trong sách sử triều Nguyễn. Thật ra, chánh điện này được Hòa thượng Diệu Hoằng đứng ra tái kiến cùng với sự kêu gọi đóng góp của Đức Từ Cung (mẹ của vua Bảo Đại), công việc này được thực hiện từ năm 1953 đến 1955 thì hoàn thành. Lễ khánh thành được tổ chức vào năm 1955. Và bức “Long vân khế hội” được vẽ trong giai đoạn từ 1953-1955, chứ không phải được vẽ từ thời Khải Định như một số thông tin đã đưa.

Còn nói về tác giả, tương truyền bức tranh được nghệ nhân cung đình Phan Văn Tánh thể hiện vào năm 1953. Tuy nhiên theo các nhà chuyên môn, hiện chưa có tài liệu nào khẳng định điều này. “Cho tới thời điểm hiện tại chưa có thông tin chính xác của tác giả nào, mặc dù chùa đã liên hệ được với một số người từng sống tại chùa Diệu Đế trong giai đoạn từ năm1951 trở về sau để tìm hiểu nhưng vẫn chưa có thông tin”, đại diện chùa Diệu Đế nói.

 

Tags:

chùa Diệu Đế

Tin cùng chuyên mục