29/04/2022 15:44

Dự án BOT đường thủy đầu tiên nguy cơ phá sản

TP HCMPhương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi khiến dự án BOT đường thủy đầu tiên trong nước nguy cơ phá sản, theo Ban quản lý dự án 7.

Nội dung vừa được cơ quan trên báo cáo Bộ Giao thông Vận tải, liên quan tình hình thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (Bình Dương). Dự án tổng đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). .

Công trình gồm nạo vét, mở rộng khoảng 71 km luồng sông Sài Gòn; xây mới cầu đường sắt Bình Lợi. Khởi công năm 2015, dự án do Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi làm nhà đầu tư, dự tính hoàn thành và thu phí hoàn vốn từ năm 2018. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc nên nhà đầu tư đã ngưng các hạng mục cải tạo luồng sông Sài Gòn sau khi hoàn thành cầu đường sắt Bình Lợi từ tháng 9/2019.

Dự án BOT đường thủy đầu tiên nguy cơ phá sản

Cầu đường sắt Bình Lợi mới đưa vào khai thác năm 2019. Ảnh: Hữu Khoa

Nêu khó khăn trong quá trình thực hiện, Ban quản lý dự án 7 cho biết theo phương án tài chính ở hợp đồng, việc hoàn vốn cho nhà đầu tư sẽ áp dụng thu phí phương tiện đường thuỷ tải trọng hơn 300 tấn tại ba cảng: An Sơn, Rạch Bắp và Bến Súc (Bình Dương).

Tuy nhiên, hiện cảng Bến Súc, Rạch Bắp chưa được đầu tư, trong khi cảng An Sơn mới xây dựng một phần. Tỉnh Bình Dương cũng đã điều chỉnh quy hoạch, bỏ cảng Bến Súc mà thay bằng cảng ở vị trí khác. Do vậy dự án khi hoàn thành sẽ không có cảng để thu phí như phương án trước đó.

Ngoài ra, nguồn vốn đầu tư cho dự án hiện cũng gặp nhiều vướng mắc như ngân hàng tài trợ không thể giải ngân vốn vay do cơ cấu thay đổi; hợp đồng tín dụng bị phá vỡ nên không còn nguồn lực thực hiện các hạng mục còn lại...

Dự án BOT đường thủy đầu tiên nguy cơ phá sản

Cầu sắt Bình Lợi cũ (màu trắng) trước khi được tháo dỡ xây cầu mới. Ảnh: Như Quỳnh

Do phương án thu phí hoàn vốn và tài chính đều không khả thi nên Ban quản lý dự án 7 cho biết dự án BOT trên không thể hoàn thành mục tiêu ban đầu. Hiện, cơ quan này đề xuất Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị Thủ tướng chuyển đổi hình thức đầu tư, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dự án thanh toán vốn chủ sở hữu và lợi nhuận; trả nợ vốn vay...

Trước đó, hạng mục cầu đường sắt Bình Lợi mới thuộc dự án sau khi đầu tư hoàn thành, nâng tĩnh không thông thuyền lên 7 m. Nhà đầu tư sau đó cũng tháo dỡ các nhịp cầu sắt cũ, chỉ giữ hai nhịp để bảo tồn theo yêu cầu của TP HCM, giúp tàu thuyền, sà lan thuận tiện qua lại khu vực trên.

Gia MinhTrở lại Thời sựTrở lại Thời sựChia sẻ ×

Tags:

TP HCM

BOT đường thuỷ

cầu sắt bình lợi

Tin nóng

Giao thông

Tin

Tin cùng chuyên mục