Gia đình xáo trộn vì phụ huynh 'thần thánh hóa' tiếng Anh
Gia đình chị Thi căng thẳng khi 2 vợ chồng bất đồng quan điểm trong việc học của con. Con bị ngọng, chồng chị muốn cho con đi can thiệp sớm nhưng chị Thi không đồng ý. Người mẹ này dồn hết thời gian, tiền bạc đầu tư để con được "tắm" tiếng Anh từ bé.
Với mức độ phổ biến của Tiếng Anh trên toàn cầu như hiện nay, việc phụ huynh đầu tư cho con học Ngoại ngữ này là việc dường như "đương nhiên phải thế". Tuy nhiên, sự thái quá của không ít phụ huynh trong việc học Tiếng Anh của con đã và đang bộc lộ những vấn đề cần lưu tâm.
Cả một tuần này, không khí trong nhà chị Ngọc Thi (quận 10, TP.HCM) khá căng thẳng vì việc học tiếng Anh của con trai 5 tuổi.
Ngay từ khi con 3 tuổi, nói còn chưa sõi, chị Thi đã cho con đi học tiếng Anh ở một trung tâm lớn, mỗi tuần 3 buổi với học phí hơn 60 triệu đồng/khóa. Đồng thời, chị đăng ký cho con học cả tiếng Anh ở trường mầm non với học phí 700 nghìn/tháng để theo chị "tranh thủ thêm thời gian giao tiếp tiếng Anh, càng nhiều con sẽ càng có phản xạ tốt". Ở nhà, mỗi khi cho bé xem tivi, chị cũng chỉ cho xem các bộ phim hoạt hình hay chương trình ca nhạc thiếu nhi tiếng Anh.
Anh Thắng - chồng chị Thi - than thở: "Lúc vợ mới cho con đi học, tôi đồng ý vì không có thời gian nghiên cứu sâu về việc này, chỉ thấy vợ bảo là các nghiên cứu chỉ ra nên cho trẻ con học tiếng Anh càng sớm càng tốt. Là bố mẹ, ai chẳng muốn điều tốt nhất cho con nên tôi không ý kiến gì.
Nhưng sau này tôi bắt đầu để ý, thấy trải qua hai khóa học mà dường như con không tiếp thu được nhiều, hỏi con đến lớp học thế nào thì bảo: "Con ngồi ngoan". Ở nhà, tôi chỉ vào đồ vật hay loại quả nào, con ngẩn ra một lúc mới bật từ ra được. Chẳng bao giờ thấy con nói thành câu tiếng Anh...
Tuy nhiên, tôi cũng chỉ nghĩ do con mình không có năng khiếu Ngoại ngữ nên tiếp thu chậm. Nhưng điều tôi thấy bất ổn nên không muốn cho con học tiếp đó là đến nay, con vẫn còn nói ngọng, vốn tiếng Việt hạn chế, diễn tả cảm xúc khá khó khăn, câu cú lộn tùng phèo.
Tôi bàn với vợ thời điểm này nên dành thời gian cho con đi các lớp chữa ngọng và tăng cường cho con tiếp xúc tiếng Việt để năm sau còn đi học lớp 1 nhưng cô ấy không đồng ý, nhất định vẫn chỉ xem phim, nghe nhạc tiếng Anh.
Bây giờ vừa hết khóa, tôi không chi tiền đóng khóa tiếp, cô ấy giận dỗi, nói rằng có mỗi đứa con mà không chịu đầu tư. Nếu không có, cô ấy sẽ đi vay để đóng học cho con...".
Thứ 7 và Chủ Nhật hàng tuần, chị Lê Huyền (quận 3, TP.HCM) có "nhiệm vụ" đưa đón cậu con 10 tuổi đi học tiếng Anh tại trung tâm Ngoại ngữ, lớp với giáo viên bản ngữ.
Chị Huyền cho biết ở trường con học Ngoại ngữ 3 buổi/tuần, nhưng chị vẫn cho đi học thêm môn này ở nhà một cô giáo có tiếng và học thêm tại trung tâm để con vừa nắm vững ngữ pháp vừa có phản xạ giao tiếp với người nước ngoài.
"Mỗi tuần con học thêm tiếng Anh tất cả là 5 buổi, trong đó, ngày thứ 7 con học cả ở trung tâm và ở nhà cô. Mỗi tháng tính ra tiền học tiếng Anh của con hết khoảng 8 triệu đồng" - chị Huyền tính.
Chị bảo rút kinh nghiệm từ cô con gái lớn, lúc đầu chỉ học tiếng Anh ở trong trường và học thêm cô giáo nên sau này rất vất vả khi giao tiếp tiếng Anh, nên chị quyết đầu tư cho con út như hiện nay. Tuy nhiên, trong lòng chị Huyền cũng khá lấn cấn khi vì đi học thêm cuối tuần như vậy, con không có ngày nào được nghỉ ngơi hoàn toàn.
"Không ít lần vào sáng thứ 7, Chủ Nhật hay trưa thứ 7, khi tôi gọi con dậy để đi học thêm, con cứ kỳ kèo xin nghỉ học để ngủ vì "hôm nay là ngày nghỉ cơ mà". Cũng có hôm con bảo bạn này, bạn kia được bố mẹ cho đi công viên nước, Thảo cầm viên mà con toàn phải đi học..., tôi cũng thương con nhưng bỏ học thì tiếc vì học phí mỗi buổi khá cao. Thôi thì bây giờ cả con lẫn mẹ đều phải cố vì tương lai của con".
Trong khi đó, anh Lê Thanh (quận 7, TP.HCM) lại là người ráo riết ốp con học Ngoại ngữ nhất chứ không phải vợ anh. Anh Thanh là người tìm hiểu các nơi học, sắp xếp lịch học thêm cho các con. Trong đó, ngày nào con anh cũng có một buổi học thêm tiếng Anh hoặc với gia sư hoặc ở trung tâm.
"Con đi học cả ngày, buổi chiều về chỉ nghỉ một lúc là tới giờ học thêm ở trung tâm hoặc học gia sư. Ngoài tiếng Anh, con còn học thêm cả Toán, Văn mỗi môn 2 buổi một tuần để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Rồi còn bài vở trên lớp nên nhiều khi con rất mệt" - bé Lê Phương, con anh Thanh, chia sẻ.
Phương nói đã vài lần cháu xin bố cho nghỉ bớt số buổi học tiếng Anh để con có thời gian nghỉ hay làm việc khác mà không được đồng ý.
"Con muốn một tuần có một vài buổi được đi bơi cho thoải mái. Con cũng thích có được một buổi học vẽ hoặc học nhảy, nhưng bố không cho. Đây là lịch học bố xếp đã mấy năm nay, bảo rằng con bỏ môn nào thì bỏ chứ không được bỏ học ngoại ngữ, trừ khi con thi IELTS được 8.0.
Nhưng không hiểu sao con học suốt môn này mà không vào, nên điểm ở trên lớp cũng không cao. Vì vậy, bố càng bắt con học mà càng học kiểu này con càng mệt và hơi thấy sợ. Cũng có khi con còn thấy giận bố...".
Bộ GD-ĐT đã công bố 4 môn thi tốt nghiệp THPT từ 2025, trong đó, tiếng Anh không còn là môn bắt buộc. Điều này đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Không ít phụ huynh nhận định tiếng Anh chỉ là một công cụ để tiếp cận các môn khoa học, công nghệ và hòa nhập với thế giới. Nhưng cũng không ít gia đình cuồng môn Ngoại ngữ này và coi nhẹ các môn học khác. VietNamNet mở diễn đàn Khi phụ huynh thần thánh hóa tiếng Anh, độc giả có ý kiến về vấn đề này có thể gửi về phần bình luận của bài viết hoặc email Bangiaoduc@vietnamnet.vn. Các bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy định. Xin cảm ơn!
tin liên quan
Bình luận
Tags:Tiếng Anh
Học thêm
Tin cùng chuyên mục