05/09/2023 15:47

Xuất khẩu gạo giữ đà tăng

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, gạo là mặt hàng mang lại nhiều kỳ vọng về xuất khẩu năm 2023.

Xuất khẩu gạo giữ đà tăng

Xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh.

Không chỉ tăng về khối lượng, giá gạo xuất khẩu trung bình qua 7 tháng đạt 534,7 USD/tấn, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đến nay, lượng gạo xuất khẩu của cả nước đạt hơn 4,9 triệu tấn, tương đương khoảng 2,65 tỷ USD, tăng hơn 32% về kim ngạch.

Tận dụng tốt cơ hội để xuất khẩu

Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), việc đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia và thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững trong giai đoạn hiện nay theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ sẽ tác động mạnh mẽ đến doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo, nhiều đơn vị sẽ tăng cường tìm nguồn hàng từ nông dân để tích trữ và nhanh chóng kết nối với các đơn hàng mới. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội các DN, cần thận trọng khi ký kết hợp đồng cũng hướng tới sự phát triển bền vững cho cả ngành hàng này.

“Thời điểm này phải tận dụng tốt cơ hội nhưng vẫn cần có sự chia sẻ. Giá gạo của Việt Nam đã cao hơn so với Ấn Độ và Thái Lan, đây là giá trị rất lớn cho nông dân và DN. Dự kiến, xuất khẩu năm nay khoảng 4,1 tỷ USD” - ông Tiến nói.

Tại thời điểm này, giá lúa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có sự biến động tăng. Trong khi đó, đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lệnh cấm xuất khẩu gạo ngày 20/7/2023 của Ấn Độ, tiếp theo là lệnh dừng xuất khẩu gạo của một số nước khiến nhu cầu cho mặt hàng lương thực thiết yếu này khan hiếm, đẩy giá gạo tăng mạnh so với thời điểm trước.

“Sóng” giá gạo xuất khẩu sẽ diễn biến ra sao?

Cho tới thời điểm ngày 4/9, giá gạo ở châu Á đã lên gần mức cao nhất trong hơn 10 năm qua. Trong khi đó, theo số liệu của VFA, trong phiên giao dịch vào ngày cuối cùng của tháng 8, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 643 USD/tấn, tăng 20,6% so với ngày 19/7. Còn so với ngày 1/1/2023 hiện giá gạo 5% tấm của nước ta đã tăng tới 185 USD/tấn, tương đương 40,3%. Giá gạo 25% tấm xuất khẩu cũng từ mức 438 USD/tấn (ngày 1/1/2023) lên mức 628 USD/tấn trong ngày 31/8, tức tăng 190 USD/tấn (tăng 43,4%).

Với lượng gạo xuất khẩu 6 - 8 triệu tấn/năm, hiện Việt Nam nằm trong top 3 quốc gia gạo xuất khẩu nhiều nhất thế giới, chỉ đứng sau Ấn Độ và Thái Lan. Hiện các bộ, ngành chức năng vẫn giữ quan điểm xuất khẩu khoảng 7 - 8 triệu tấn gạo, đồng thời, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, thể hiện uy tín, vị thế của một trong những nước xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới.

Thông tin từ Tổ chức Nông - Lương Liên hợp quốc (FAO) cho biết, giá gạo đã tăng lên mức cao nhất trong gần 12 năm, sau khi Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo (ngày 20/7/2023) và điều kiện thời tiết bất lợi ảnh hưởng đến sản xuất và nguồn cung lương thực thiết yếu này của châu Á.

Philippines áp mức trần giá gạo ảnh hưởng gì tới xuất khẩu gạo của Việt Nam?

Ngày 1/9, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã đưa ra quyết định thiết lập mức trần giá gạo nhằm đối phó với "sự gia tăng đáng báo động" của giá gạo bán lẻ. Cụ thể, giá trần đối với gạo xay xát thông thường tại Philippines được đặt ở mức 41 peso (0,72 USD)/kg, trong khi giá gạo xay xát kỹ được đặt ở mức 45 peso (0,79 USD)/kg. Mức trần này bắt buộc có hiệu lực cho đến khi được Tổng thống Philippines dỡ bỏ.

Philippines là một trong những nước nhập khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Giá gạo bán lẻ của nước này đã tăng đáng kể trong tháng 8. Một số loại gạo tăng tới 25%.

Về việc Philippines áp mức trần giá gạo, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (tỉnh Tiền Giang), cho rằng động thái đó không ảnh hưởng nhiều đến thị trường gạo Việt Nam. "Giá gạo tại Philippines tăng quá nóng nên họ phải có biện pháp kiềm chế, trong đó có áp giá trần để hạn chế mức độ tăng, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân " - ông Đôn nhận xét và cho biết thêm, giá gạo trong nước những ngày gần đây vẫn ổn định ở mức cao chứ không hề giảm. Ví dụ gạo DT8 tại các nhà máy ở Tiền Giang ở mức 16.500 đồng/kg, tương đương 720 USD/tấn xuất khẩu; gạo thông dụng xuất khẩu vẫn 650 USD/tấn.

Theo Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương), Việt Nam hiện là nhà cung cấp gạo lớn nhất của Philippines. Cập nhật đến ngày 15/8, Philippines đã nhập của Việt Nam 2,156 triệu tấn gạo, chiếm 40% thị phần.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 8 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt 3,17 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá gạo xuất khẩu trung bình 8 tháng đầu năm đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, có thời điểm giá gạo xuất khẩu 5% tấm lên đến gần 650 USD/tấn.

Chủ đề: xuất khẩu gạo giữ đà tăng

Tags:

Xuất khẩu gạo

giữ đà tăng

Tin cùng chuyên mục